Tin tức

20/01
2020

HLoV-Thương hiệu của người khuyết tật

Đến nay, cơ sở Hùng Loa Việt Nam nhận khoảng 31 lao động là người khuyết tật từ Trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật Tp.HCM. Ông chủ cơ sở Trần Văn Hùng nói: “họ là người có tài, phải biết tận dụng tài của họ theo từng công việc cho tốt, giúp họ hoà nhập cộng đồng. Họ rất siêng năng, chăm chỉ và tỉ mỉ, mà lĩnh vực lắp ráp loa, ampli rất cần những đức tính này”.

Sự thông cảm của ông chủ Hùng đối với người khuyết tật còn bắt nguồn từ hoàn cảnh riêng: mồ côi mẹ, ba bỏ đi lúc 1 tuổi, sống nhờ tình thương của ông bà nội. 11 tuổi, ông Hùng bươn chải vào đời bằng bất kì nghề nào có thể, miễn là lương thiện như bỏ bánh, bán rau,... Dành được chút vốn, ông chuyển sang làm nghề sửa chữa xe gắn máy. Vừa học vừa làm, rồi cũng xong chương trình cấp 3.

Năm 1994, khi lập gia đình ông chuyển sang kinh doanh sửa chữa ti vi, đầu máy. Vốn yêu thích âm nhạc từ nhỏ, lắm khi bực mình vì chiếc loa hư kêu “rè rè”, nên khi kinh doanh lĩnh vực này, ông cặm cụi tháo rỡ từng chiếc loa được đánh giá có chất lượng, hoặc chất lượng kém, rồi so sánh, tìm hiểu sự khác nhau giữa chúng. Những ưu điểm của các loại loa trên thế giới được ông tìm hiểu và học hỏi nên sản phẩm đầu tiên HS 40T (ra đời năm 1998) là sự kết hợp nhiều ưu điểm cho âm thanh trung thực, sống động.

Lúc đầu, ông bán thăm dò thị trường qua các đại lý, nhưng người tiêu dùng chưa mặn mòi lắm. Ông nghĩ: chất lượng là quan trọng nhưng phải đi kèm với thương hiệu vừa khẳng định mình vừa để nhiều người biết đến. Một năm sau, ông đăng kí độc quyền sản phẩm HLoV (Hùng Loa Việt Nam), phục vụ chủ yếu cho những người có thu nhập thấp nhưng không kém về chất lượng, nhằm khuyến khích người Việt xài hàng Việt. Cùng với quảng bá, dần dần nhiều người biết đến những sản phẩm HLoV. Sản phẩm đạt huy chương vàng tại EXPO, giải cầu vàng của Bộ công nghiệp năm 2004. Bây giờ, cơ sở có đại lí từ Bắc đến Nam, lượng khách hàng ngày càng đông, tạo niềm phấn khởi cho công nhân.

Năm 2004, ông cho ra đời dòng sản phẩm chính thức mang thương hiệu người khuyết tật là PA108D. Thấy thị trường chấp nhận, ông cho ra đời tiếp dòng sản phẩm PA306D và mới đây là PA107 D. Thương hiệu ghi rõ chữ PEACE nghĩa là Hoà Bình và dòng chữ “sản phẩm do kĩ thuật viên người khuyết tật lắp ráp”.

Đây là cách tôn vinh sức lao động của người khuyết tật. Nhưng để giữ chân những người lao động vốn mặc cảm bản thân cao đòi hỏi sự khéo léo của ông chủ. Ông biết rằng bản thân phải tự kiềm chế, “Tôi không cho phép mình quát mắng khi họ làm sai”, ông nói.

Anh Triệu Kim Sơn, 2 năm gắn bó với cơ sở cho biết, do nhiều việc, có khi công nhân bị lỗi trong lắp ráp. Đặc trưng công việc là sai 1 khâu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khâu lắp ráp còn lại, nhưng ông chủ Hùng rất bình tĩnh, tổ chức cuộc họp tập thể, chỉ lỗi sai để mọi người cùng rút kinh nghiệm, người sai phải làm lại ngay. Một mặt, để hạn chế sai sót, ông phân chia công việc phù hợp dựa vào khả năng từng người và xây dựng tập thể lao động biết hỗ trợ và đùm bọc. Do mọi người đều ý thức trách nhiệm nên rất hiếm khi xảy ra lỗi sai.

Công nhân ở đây còn được tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn để nâng cao tay nghề. Đại lí trưng bày sản phẩm ở đường Lạc Long Quân do người tàn tật phụ trách kinh doanh bán hàng, còn giao nhận hàng do người bình thường đảm nhận. Mới đây, cơ sở tổ chức lễ cưới cho một công nhân khuyết tật. Ông Hùng cho biết, vào năm 2006, khi hoàn thành nhà xưởng tại Củ Chi với quy mô từ 200-300 nhân viên hy vọng sẽ giải quyết lao động cho nhiều người khuyết tật hơn.

0933 171 646
0933 171 646